Hai mươi năm sau
|
TƯỜNG THUẬT LẠI SỰ TRẢI NGHIỆM
Tôi chưa từng nghe ai kể đã có những trải nghiệm giống như tôi. Tôi cảm thấy cô đơn và bối rối. Tôi nhanh chóng không muốn nói về những trải nghiệm đó vì sự phản hồi của mọi người quá tiêu cực và khiến tôi tổn thương. Nhưng rồi tôi bắt đầu nhận ra, trải nghiệm đó đã dạy tôi rất nhiều điều. Khi nghĩ về việc tôi không còn cảm thấy đau đớn mà thay vào đó là một sự bình yên đến lạ kỳ, tôi không còn sợ chết, nỗi sợ mà tôi luôn mang theo trong quá khứ. Nỗi sợ đó không quay trở lại. Tôi biết những gì đang đợi tôi và tôi khao khát được ở đó. Tôi luôn ý thức được rằng tôi quay lại cuộc sống này vì có một lí do. Tôi không biết mục đích của cuộc đời mình là gì, nhưng tôi biết, tôi đã hiểu nó một cách sâu sắc trước khi tôi quay trở lại. Tôi cũng hiểu rằng tôi cần phải để những ký ức đó ra đi. Một trong những món quà tuyệt vời nhất theo cách nhìn của tôi về thế giới bên kia là tôi hoàn toàn cảm thấy bình yên khi một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình chết. Dĩ nhiên, tôi vẫn cảm thấy đau buồn vì sự mất mát, nhưng tôi biết họ đang rất tự do và hạnh phúc.
Mặc dù hiếm khi thảo luận về cái chết, tôi vẫn luôn cố gắng kể về những gì tôi học được qua trải nghiệm đó. Tôi biết tôi có những kiến thức rộng hơn những gì mà tôi có thể nhớ được, nhưng những gì còn đọng lại trong trí nhớ tôi là một con số không tròn trĩnh. Trở ngại lớn nhất khi tôi kể lại cho người khác nghe là tìm được từ ngữ thích hợp. Thậm chí khi đang viết những dòng này, tôi vẫn ý thức được, một cách đau lòng, rằng tôi không thể nào mô tả được chính xác, thậm chí là gần đúng, đối với những gì đã xảy ra, những gì tôi cảm thấy, hay những gì tôi học được.
Quan điểm tôn giáo của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình thiên chúa giáo và cam kết theo Chúa Giêsu khi tôi tròn 10 tuổi. Cha mẹ tôi là nhà truyền giáo ở Đông Phi. Nhiều lần, tôi cảm thấy xa cách với Thiên Chúa, tôi phủ nhận và chống đối những giá trị đạo đức mà tôi được dạy. Nhưng tôi vẫn xem mình là một Kito hữu. Tôi tin rằng Kinh Thánh là Lời dạy của Thiên Chúa, và rằng một cam kết theo Chúa Giêsu sẽ giải thoát tôi khỏi địa ngục. Nhiều lúc, tôi thắc mắc về các vấn đề chia rẽ tôn giáo, thần học hoặc các khái niệm về sự cứu rỗi. Trong cái chết của tôi, tôi nhận ra rằng nó không chỉ đưa tôi vươn xa hơn những niềm tin trước đó, mà bằng nhiều cách khác nhau, còn khiến cho những niềm tin cũ đó không tồn tại nữa . Từ khi có được sự hiểu biết đó, không ít lần tôi đã làm ngơ trước những gì mình đã học và đã tin từ thuở ấu thơ. Nhiều lần khác, tôi thể hiện niềm tin của mình rằng, tôi là một con người, chứ không phải được tạo ra theo thuyết sáng tạo. Nhưng thật không dễ để tôi thấu hiểu hết những gì mình học được.
Kết quả là tôi thấy mình cởi mở hơn đối với các tín ngưỡng khác, bởi tôi hiểu rằng hiểu biết của con người là vô cùng giới hạn. Tôi hiểu rằng, Chúa sẽ để chúng ta nhận diện, tùy vào nhu cầu và niềm tin của chúng ta. Bản thân Chúa, trong hình hài của Giêsu, cũng đã đấu tranh để giúp những tín đồ thân cận của Ngài thấu hiểu. Vào cái đêm trước khi Ngài chết, chúng ta có thể thấy rõ sự nản chí khi Ngài nhận ra rằng họ không thấu hiểu, và rằng thời đại của Ngài đang đi đến hồi kết. Giêsu bị giới hạn bởi nhân tính của Ngài. Sự thiêng liêng đã bị giới hạn bởi chính nhân tính của loài người.
Kinh Thánh, mặc dù được lấy cảm hứng từ Thiên Chúa, được viết bởi con người và được đọc bởi con người. Do đó, bị hạn chế qua việc sử dụng ngôn từ. Nó sâu sắc nhưng hạn chế. Nó giúp chúng ta hiểu những điều vượt khỏi tầm hiểu biết của chúng ta. Tình yêu vô điều kiện của Chúa nằm ngoài nhận thức của chúng ta. Niềm vui, bình an, hạnh phúc, mãn nguyện và tình yêu mà chúng ta đã có trong cuộc đời, chỉ là một cái bóng của thế giới bên kia. Khái niệm về sự cứu rỗi là nỗ lực của chúng ta để hiểu được những gì chúng ta đã có. Hiểu biết của chúng ta về sự cứu rỗi, như chúng ta từng tranh cãi, không nhằm mục đích phản ánh sự hiện diện của Chúa. Tôi không còn cố gắng để đi tìm sự thật, bởi tôi biết, sẽ đến lúc, tất cả chúng ta đều sẽ hiểu.
Nhà thờ là nơi chúng ta đã tạo ra trong nỗ lực nhằm thấu hiểu những gì vượt quá sự hiểu biết của con người, nhằm đặt giới hạn cho những thứ vô hạn, nhằm kiểm soát những thứ không thể kiểm soát. Tôn giáo là kết quả của sự thất bại trong việc thấu hiểu tâm linh. Nó nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta đến gần với Chúa, nó là dòng đời, nó giúp chúng ta thấu hiểu. Nó cũng mang lại nỗi đau, sự chia ly và bối rối.
Tôi không tranh cãi về niềm tin tôn giáo. Tôi không cố gắng để chứng minh sự thật về trải nghiệm của mình. Tôi chỉ cố gắng không để các quy tắc và quy định của nhà thờ ảnh hưởng đến sự hiểu biết mà tôi đang có. Tôi chỉ cố gắng liên kết với Chúa theo cách tốt nhất tôi có thể.
Sau trải nghiệm về cái chết, tôi phải mất nhiều năm mới thấu hiểu được và thay đổi quan niệm. Lúc đầu, tôi nghĩ mình là người duy nhất có được trải nghiệm đó. Tôi đã có một hành trình tuyệt vời, tất cả kiến thức và sự hiểu biết. Nhưng tôi không có khả năng để diễn tả một cách đầy đủ (tôi vẫn đang vật lộn với nó) để được mọi người lắng nghe, để mọi người hiểu nên tôi đã cố gắng kiềm chế không nói về nó nữa. Sau đó, một giáo sư ngành xã hội học - một người bạn nói với tôi về một cuốn sách của Kubler-Ross. Đó là một cuốn sách khiến tôi sững sờ, giống như một sự giải thoát tuyệt đối, khiến tôi không còn cảm thấy đơn độc nữa. Tôi không thể tin được khi biết rằng trải nghiệm của tôi và những người khác rất giống nhau. Tôi muốn tìm hiểu thêm. Tôi tham dự khóa học về “Cái chết và hấp hối”, vì nghĩ rằng đây là nơi an toàn để tôi cởi mở lòng mình. Khi viết bài nghiên cứu về trải nghiệm cận tử của mình, người hướng dẫn của tôi tin rằng những gì tôi trải qua chẳng qua chỉ là ảo giác do việc dùng ma túy quá liều.
Phải mất nhiều năm tôi mới có được những người bạn tin rằng tôi trung thực và đáng tin cậy, những người bạn tôi có thể tin được khi kể về câu chuyện của mình. Họ khích lệ tôi kể nhiều hơn, đọc nhiều sách khác về trải nghiệm cận tử và tích hợp một cách đầy đủ những gì tôi đã học vào cuộc đời mình.
Rất nhiều lần tôi cảm thấy kiệt sức với những khó khăn gặp phải trong cuộc đời, và tôi đã cầu xin Chúa cho tôi trở về với Ngài. Tôi cầu nguyện được chết, để có cơ hội trải nghiệm lại sự tuyệt diệu đó. Tôi hỏi Ngài tại sao để tôi nếm trải điều tuyệt diệu đó, khi hậu quả của nó là làm giảm đi ham muốn sống trong tôi. Nhưng dần dần, tôi hiểu ra rằng, việc biết thế nào là tình yêu vô điều kiện, việc trải nghiệm sự mãn nguyện, và việc còn nhớ cái đẹp và sự thanh bình đó đã giúp tôi có cơ hội để mang nó về với cuộc sống hiện tại. Thậm chí, tôi còn có thể giúp mọi người hiểu về nó mà không cần phải đợi đến khi chết. Tôi cũng có những ký ức có thể giúp tôi nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
Có rất nhiều thay đổi trong suốt 20 năm qua kể từ khi nếm trải cuộc sống sau cái chết. Tuy nhiên, tôi không chắc sự thay đổi nào là kết quả của trải nghiệm đó, hay chỉ đơn giản là một phần kết quả từ việc lớn lên và trưởng thành. Tôi tin rằng, mặc dù đã bỏ phí nửa cuộc đời để kìm nén những ký ức về cái chết, tôi đã chịu ảnh hưởng từ nó.
Trước đó
1. Tôi mộ đạo với rất nhiều thắc mắc
2. Tôi sợ cái chết và sợ chết
3. Chứng đau nửa đầu hành hạ cuộc sống tôi. Tôi phụ thuộc rất nhiều vào thuốc.
4. Tôi vật lộn với những khái niệm bản ngã nghèo nàn
5. Tôi lỏng lẽo trong mối quan hệ gia đình và bạn bè.
6. Việc “Tôi là ai?” có sự kết nối rất quan trọng cho các cơ hội nghề nghiệp
7. Tôi cần biết mục đích và phương hướng để có thể xác định được mục tiêu sống.
8. Tôi vật lộn với những áp lực của cuộc sống.
Bây giờ
1. Tôi trở nên tâm linh hơn và có rất nhiều câu trả lời
2. Tôi cảm thấy thoải mái đối với cái chết. Tôi hiểu rằng cùng với cái chết, tôi sẽ cảm thấy tự do, mãn nguyện và hạnh phúc.
3. Tôi kiểm soát được chứng đau đầu không thường xuyên của mình. Thuốc duy nhất tôi uống là Tylenol.
4. Tôi sáng tạo, độc lập và tự hào về thành công của mình.
5. Tôi có được sự mãn nguyện từ những người bạn tốt và mối quan hệ tuyệt vời với cha mẹ tôi.
6. Việc “Tôi là ai?” có sự kết nối rất quan trọng cho mối quan hệ với Chúa, gia đình và bạn bè tôi.
7. Tôi có mục tiêu sống. Tôi không cần biết những gì mình có thể gặt hái được.
8. Tôi có nhiều thứ để sống vì nó. Mặc dù vẫn cảm thấy áp lực, tôi xoay sở tốt hơn.
Vài năm trước, một người bạn tôi hỏi: "Nếu có cơ hội khác, bạn có đi qua bức tường?" . Không do dự, tôi trả lời, "Chắc chắn là có". Cô nói: "Bạn sẽ bỏ lại tất cả những gì đang có ư?". Tôi trả lời "Đúng vậy". Điều đó không có nghĩa rằng tôi muốn bỏ lại những đứa con của tôi, chồng tôi, cha mẹ tôi hay tất cả bạn bè. Chỉ là vì, tôi thực sự trân trọng cơ hội mà tôi được trao tặng, và khi thời điểm đến, sự thanh bình tuyệt diệu ấy sẽ ở đó, chờ đón tôi.